Với những đặc tính như nhẹ, bền, và giá thành rẻ,..chất liệu nhựa ngày nay đã hiện diện khắp nơi trong đời sống thường nhật. Việc sản xuất nhựa hàng loạt đã bắt đầu vào khoảng thập niên 1940 và 1950. Với ngành công nghiệp vật liệu thì nhựa là loại vật liệu tuyệt vời của thế kỷ 20. Song đây cũng chính là vấn nạn môi trường mà thế kỷ này để lại cho những thế kỷ tiếp theo. Việc sử dụng nhựa ồ ạt, thiếu kiểm soát ở khắp nơi trên thế giới, đã khiến cho loại vật liệu khó phân hủy này tràn lan ra môi trường, gây nên một hiện tượng ô nhiễm mà các nhà môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”. vậy chúng ta phải làm gì để sử dụng vật liệu nhựa một cách thông minh hơn. Đó là câu hỏi chúng tôi sẽ đặt ra trong phóng sự này.
Ảnh: Tuyên truyền “Hành trình giảm thiểu rác thải nhựa” tại trường TH Tân Thới.
Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP, năm 1950, sản lượng nhựa sản xuất hàng năm chỉ khoảng 2 triệu tấn. Đến năm 2015, con số này đã là 367 triệu tấn. Một cuộc tấn công ồ ạt của chất liệu nhựa được châm ngòi khắp nơi trên thế giới. Từ xe hơi đồ chơi cho trẻ em, các khối rubic, từ thể thao cho tới y học, ứng dụng chất liệu nhựa đã bùng nổ. Ngay cả banh bóng đá từ lâu cũng được làm bằng nhựa, tương tự như ôto và đồ chơi.
Tổng cộng cho đến nay thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa. Trong một báo cáo thường niên được công bố vào tháng 6/2018 nhân ngày Môi trường Thế giới với chủ đề hành động liên quan đến nhựa, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP cho biết, từ năm 1950 đến 2015, nhân loại đã sản xuất ra 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa. Chỉ 9% trong số đó được tái chế. 12% được thiêu hủy. Lượng rác thải nhựa bị đổ trực tiếp ra môi trường, và đáp xuống đâu đó trên hành tinh này lên tới 79%. Các nhà khoa học ước tính, nếu tình trạng này tiếp tục, vào năm 2050, gần 12 tỷ tấn rác thải nhựa sẽ trôi dạt trên biển. Cả một hệ sinh thái trên biển và cả trên đất liền đang bị đe dọa bởi nạn ô nhiễm trắng.
Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về xả rác thải nhựa ra biển với mỗi năm không dưới 700.000 tấn. 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.
Khi rác thải nhựa bị trôi ra biển sẽ nằm lại dưới đáy đại dương, tồn tại nhiều thế kỷ và trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Cảnh tượng rác ngập bờ biển không còn xa lạ tại nhiều làng biển ở nước ta.
Hành vi thải rác nhựa ra biển tưởng chừng nhỏ như vứt 1 chai nước nhựa, 1 túi nilon cũng đủ gây ra những điều tồi tệ. Con người đã và đang tấn công biển bằng rác thải nhựa, đẩy nhiều vùng biển vào tình cảnh ô nhiễm trắng do túi nilon và rác thải nhựa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các tỉnh, thành trên toàn quốc đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa như xây dựng các cơ chế chính sách về thuế, các hoạt động truyền thông, khuyến khích doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất, sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường.
Nhiều đô thị lớn, trong đó có Bình Dương đã phát động các chương trình hành động thiết thực, như phong trào ngày làm sạch rác nhựa, hay phân loại rác thải tại nguồn nhằm nâng cao nhận thức và hành động từ cộng đồng. Từ tháng 11/2018, Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương đã phối hợp với Phòng TN&MT và Phòng GD&ĐT TX. Thuận An nhằm tổ chức sự kiện “Hành trình giảm thiểu rác thải nhựa” tại các Trường Tiểu học, như: Phú Long, Trần Quốc Toản, Tân Thới… để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của nhựa và lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn. Đông đảo học sinh Trường Tiểu học Phú Long đã hào hứng tham gia “Hành trình giảm thiểu rác thải nhựa”.
Ảnh: Hội LHPN phường Lái Thiêu tặng thùng rác cho hội viên hướng đến phân loại rác thải tại nguồn.
Hiện nay, tổng khối lượng lác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thị xã Thuận An là khoảng 427 tấn/ngày. Nhận thấy những lợi ích to lớn từ việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, tháng 9/2018, UBND TX.Thuận An đã ban hành kế hoạch thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn thị xã năm 2018. Theo đó, khu phố Bình Hòa và khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu được chọn thực hiện thí điểm. Dịp này, UBND TX.Thuận An cũng đã trao thùng rác cho các hộ dân ở phường Lái Thiêu nhằm khuyến khích người dân phân loại rác thải tại nguồn. Sau một thời gian thực hiện, kết quả thu được là rất khả quan.
Sự phồn thịnh luôn có giá phải trả và một trong số đó là lượng rác nhựa rất lớn bị thải ra môi trường. Theo Chương trình Môi trường LHQ, 2 tỷ người trên thế giới chưa được tiếp cận với dịch vụ xử lý rác thải đúng nghĩa, tập trung chủ yếu ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, và châu Á. Đây cũng là những khu vực thải ra nguồn rác nhựa lớn nhất. Đó cũng là những nơi rác thải nhựa tấn công đại dương ồ ạt nhất. Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Phillippine và Việt Nam, chiếm 1/2 lượng rác nhựa gây ô nhiễm biển hiện nay. Nếu như các quốc gia này giảm đi 65% lượng rác nhựa của mình, thì lượng rác nhựa tràn ra biển sẽ giảm tới 50 % từ nay tới 10 năm tới. Thay đổi ! Đó là việc cần thời gian. Thế nhưng, những hành động thiết thực ở quy mô địa phương như “Hành trình giảm thiểu rác thải nhựa”, hay phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nhà đang được áp dụng thí điểm trên địa bàn thị xã Thuận An, nếu được lan tỏa rộng rãi, thì sẽ góp phần rất thiết thực vào cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa mà thế giới đang đối mặt./.
Công Danh