Mặc dù không còn sôi động như xưa, nhưng 1 số hộ dân làm mứt gừng trên địa bàn phường Bình Nhâm vẫn cố gắng gìn giữ nghề truyền thống ông cha, đồng thời mong muốn mang hương vị mứt gừng vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Hiện nay, 1 số hộ dân trên địa bàn phường Bình Nhâm đã chuẩn bị mứt gừng tết đón xuân.
Không rõ nghề làm mứt gừng ở Bình Nhâm đây có từ bao giờ, người dân nơi đây chỉ biết rằng từ nhiều thế hệ trong một gia đình truyền nghề và cùng làm từ năm này qua năm khác. Nhưng trong thời đại ngày nay, thị trường hàng hóa sôi động với đầy đủ loại mứt phục vụ Tết thì mức gừng Bình Nhâm đã trở nên vắng bóng trong mỗi gia đình mỗi khi tết đến xuân về. Một mặt do nhu cầu sử dụng mức tết của người dân dần dần thay đổi, mặc khác do việc làm mứt gừng lắm công phu và hiệu quả kinh tế không cao. Nên làng mứt Bình Nhâm xưa kia nay chỉ còn trong ký ức. Hiện nay, trên địa bàn phường Bình Nhâm chỉ còn vài hộ vẫn gìn giữ nghề làm mứt gừng. Bởi, theo người dân Bình Nhâm chia sẻ thì, dù ăn loại mứt nào đi nữa, mứt gừng Bình Nhâm vẫn đậm đà. Bởi mứt gừng Bình Nhâm có vị cay nồng, vị ngọt thanh, dẻo. Ăn mứt gừng và thưởng thức ly trà nóng, chúng ta cảm nhận được sự ấm áp, đậm đà ẩn chứa tình cảm của người dân nơi đây gởi gắm vào từng miếng mứt gừng.
Ảnh: Công đoạn xăm gừng đã xong.
Bà Nguyễn Thị Lan, ngụ tại khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm không nhớ nổi, nghề mứt gừng có khi nào. Bà chỉ nhớ rằng, ngày xưa, mẹ của bà đã gìn giữ và truyền nghề lại cho bà. Là người con gái duy nhất trong gia đình theo nghề làm mứt gừng, ngay từ khi còn nhỏ, bà Lan đã theo mẹ phụ làm mứt. Ngày xưa, việc làm mứt gừng bằng thủ công vất vả lắm. Để có miếng mứt gừng thơm ngon, người làm mứt trải quả nhiều công đoạn khác nhau. Khó khăn nhất là công đoạn xăm gừng. Khi chưa có máy móc, việc xăm củ gừng phải dung tay. Sau này, người ta mới chế ra máy xăm nên làm nhanh hơn và nhiều hơn. Quy trình làm mứt bắt đầu từ công đoạn chọn gừng, phải là gừng không quá già và không quá non, chủ yếu là gừng ở các tỉnh Tây Nguyên đưa về; công đoạn cạo vỏ, rồi ngâm muối, xăm gừng, xả với nước để giảm vị cay; sau đó pha với nước kết hợp với chanh để làm trắng gừng; luột gừng và phơi nắng. Đó chỉ là bước chuẩn bị, còn bước thành phẩm phải đợi cho đến gần Tết cổ truyền khoảng 15 ngày (trước tết), bà tiến hành gừng sên với đường trong vòng 3 giờ với ngọn lửa ngỏ liu riu cho đến khi đường kéo lại thì mới đạt. Để có miếng mứt gừng ngon, mỗi công đoạn, đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, cẩn thận của người làm. Nói chung, làm mứt gừng rất công phu đòi hỏi người làm phải kiên trì và chịu khó, tâm huyết. Nên mỗi khi thưởng thức miếng mứt gừng, chúng ta mới cảm nhận được tình cảm quý mến của người làm. Để chuẩn bị mứt gừng phục vụ tết năm nay, bà Lan làm 650 kg gừng.
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Lan phơi gừng dưới trời nắng.
Cũng theo bà Lan, làm mứt chủ yếu vì yêu nghề đồng thời mong muốn lưu giữ nghề truyền thống của ông cha xưa. Mỗi khi tết đến, bà Lan lại làm mứt gừng để đãi khách quý đến nhà chơi. Đó như là truyền thống của gia đình đồng thời trân quý những giá trị văn hóa làng nghề mứt gừng Bình Nhâm. Hiện tại, trong gia đình của bà Lan có 3 người con, nhưng không ai theo nghề làm mứt gừng. Bà trăn trở, không biết sau nay, nghề này sẽ đi về đâu. Nhưng hiện tại, bà Lan vẫn gìn giữnghề làm mứt gừng từ năm này, qua năm khác. Bà cũng mong muốn, chính quyền địa phương cần có giải pháp khuyến khích để người dân bảo tồn, gìn giữ như một nét văn hóa của quê hương Bình Nhâm cho hôm nay và mai sau.
Cũng giống như bà Nguyễn Thị Lan, chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy là 1 trong số ít hộ còn làm mứt gừng cho đến ngày nay. Năm nay là năm thứ 7 chị làm mứt gừng để phục vụ tết. Do nhu cầu thị trường ít nên chị làm khoảng 400kg mứt gừng. Đa phần là khách hàng đặt trước, phần còn lại chị bán cho bà con. Chị Thúy cho biết, nghề mứt gừng ngày càng bị lãng quên, thế hệ trẻ ngày nay cũng không mặn mà với nghề này.
Ảnh: Sau khi phơi nắng, gừng no đường chờ ngày sên là hoàn tất cả 1 quy trình làm mứt gừng tỉ mỉ.
Vốn là món ăn chơi không thể thiếu trong khay bày đồ Tết, mứt gừng Bình Nhâm cũng được nhiều gia đình dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên. Nếu muôn sắc màu của mứt thể hiện mong muốn về một năm đầy đủ với tài lộc, hạnh phúc, ấm no thì riêng với mứt gừng, đó là ước vọng về sự nồng ấm, chân tình. Tuy nhiên, đến nay nghề làm mứt gừng dần dần mai một. Chỉ còn vài hộ dân tâm huyết với nghề truyền thống của ông cha, còn lại đều đã bỏ và chuyển đổi sang ngành nghề khác. Khi nói về làng mứt gừng Bình Nhâm giờ chỉ là dĩ vãng 1 thời. Ông Trần Thanh Tùng, bí thư chi bộ khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm cho biết, nghề làm mứt gừng Bình Nhâm có từ lâu đời, tuy nhiên ngày nay chỉ có vài hộ duy trì. Mong rằng các cấp chính quyền cần có giải pháp gìn giữ bảo tồn làng nghề truyền thống lâu đời của địa phương.
Dẫu cho bao đổi thay của thời gian, mứt gừng vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của người Bình Nhâm hôm nay. Vào những ngày giáp Tết, hương thơm mứt gừng mới ra lò, mới thật sự cảm nhận được không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
VĂN TIẾN